Rau là thực phẩm được sử dụng hằng ngày và mang lại cảm giác ngon miệng hơn. Thông thường, bạn sử dụng phần ăn được như thân, lá để ăn và bỏ phần gốc, rễ. Nhưng có một số loại rau bạn có thể trồng lại từ những phần bỏ đi đó. Hãy cùng điểm danh 8 loại rau củ có thể trồng lại từ những phần không sử dụng đến trong bài viết này nhé.
1. Cải thìa
Bạn sử dụng phần lá phía trên để chế biến món ăn và giữ lại 2cm phần thân sát gốc để trồng lại. Chuẩn bị 1 bát nước ấm và đặt phần gốc cải xuống sao cho chỉ ngập khoảng 2/3 là được. Sau khoảng 1 tuần, bạn có thể trồng cải thìa ra đất trong chậu hoặc ngoài vườn để cây tiếp tục phát triển lớn hơn.
2. Cần tây
Tương tự cả thìa, bạn giữ lại phần gốc và thân sát gốc rồi đặt vào bát nước ấm sao cho phần rễ dưới nước và phần thân hướng lên trên. Sau khoảng 5 – 7 ngày đặt trong nước, bạn hãy đem cần tây trồng vào chậu đổ đầy đất hoặc trồng trong vườn.
3. Hành lá
Hành lá một trong những loại gia vị không thể thiếu trong hầu hết các món ăn của người Việt. Các chị em nội trợ hoàn toàn có thể tự tay trồng hành lá tại nhà với với cách làm đơn giản này. Bạn chỉ cần ngâm phần gốc hành dài khoảng 3 - 4 cm vào ly nước ấm và để ở nơi có đủ ánh sáng. Sau khoảng 5 - 7 ngày, bạn chuyển chúng sang chậu đất và để hành mọc tự nhiên.
4. Cà rốt
Chị em nội trợ hãy giữ lại phần đầu cà rốt và cho chúng vào một chậu nhỏ có nước, đặt ở nơi thoáng mát, có ánh mặt trời chiếu vào. Lưu ý: Không để nước ngập hoàn toàn vì sẽ khiến chúng bị úng và cách 2 ngày phải thay nước mới. Khoảng 1 tuần, phần cà rốt này sẽ mọc lá và ra rễ, bạn hãy trồng chúng vào thùng xốp hay chậu có đất ẩm để tiếp tục phát triển. Trong quá trình sinh trưởng, cần tưới nước giữ ẩm 2 - 3 ngày một lần. Khi cây hình thành củ cần tưới nước hàng ngày. Sau khoảng 3 - 4 tháng, bạn thấy lá bắt đầu chuyển màu vàng, đây là thời điểm thu hoạch cà rốt cho chất lượng ngon nhất.
5. Tỏi
Củ tỏi là gia vị không thể thiếu của mỗi nhà và tuy nó không phải là phần bỏ đi nhưng bạn vẫn có thể trồng thành cây mới. Mỗi củ tỏi có nhiều tép và mỗi tép sẽ mọc ra một mầm tỏi và phát triển thành cây con. Khi thấy tỏi mọc mầm, bạn hãy đặt nó vào một đĩa sâu với ít nước. Khi mầm tỏi nhô lên cứng cáp thì di chuyển trồng chúng xuống đất trong chậu hoặc ngoài vườn, lấp đất kín các tép tỏi. Nếu thời tiết ấm áp, rễ tỏi sẽ mọc nhanh và mạnh.
6. Húng quế
Khi dùng húng quế, bạn hãy chừa lại một đoạn cành dài khoảng 5 – 7 cm và đặt vào cốc nước, để ở nơi có ánh sáng mặt trời trực tiếp. Bạn lưu ý nhớ thay nước thường xuyên để cây không bị thối nhé. Khi thấy rễ mọc dài khoảng 5 cm thì chuyển vào chậu trồng với đất. Sau một thời gian, cành húng quế sẽ mọc ra nhiều nhánh mới và rễ cứng cáp hơn thành một cây húng quế.
7. Xà lách
Đặt gốc xà lách khi đã cắt phần lá bên trên ngập ½ trong nước và luôn giữ nước ở mức này vì nếu ngập hết gốc nó sẽ bị thối. Khi xà lách đã ra rễ thì đưa cây trồng vào đất. Trong điều kiện thời tiết thoáng mát, đủ ánh sáng xà lách sẽ phát triển rất nhanh mà không cần bón thêm phân bón. Với cách này, bạn cũng có thể trồng bắp cải.
8. Rau mùi
Dùng nhánh rau mùi đặt trong cốc nước, một thời gian chúng sẽ ra rễ và phát triển lá. Để đến khi rễ đủ dài thì mang trồng trong chậu. Đặt chậu cây nơi có đủ ánh sáng và tưới nước đủ cho cây. Rau mùi sẽ mọc thành một cây mới thật tốt trong khoảng 1 tháng.