Ý nghĩa phong thủy và cách chăm sóc trầu bà thanh xuân
(+84)96 845 2088

Ý nghĩa phong thủy và cách chăm sóc trầu bà thanh xuân

Thứ tư, 01/09/2021
 

Cây trầu bà thanh xuân với những chiếc lá xẻ độc đáo, ý nghĩa tốt đẹp và nhiều công dụng hữu ích, hiện đang là loại cây cảnh được nhiều người yêu thích và trưng bày. Hiểu được đặc điểm, đặc tính sẽ giúp quá trình trồng và chăm sóc cây dễ hơn.

Đặc điểm cây Trầu bà thanh xuân

Cây trầu bà thanh xuân có tên khoa học là Philodendron bipinnatifidum hoặc Philodendron selloum Split. Là một cây thân thảo thuộc họ Ráy (Araceae), dù có kích thước khá nhỏ, chỉ cao từ 30cm – hơn 1m nhưng cây vẫn có dáng vẻ um tùm, xanh mát. Tất nhiên kích thước cây còn tùy thuộc vào môi trường chăm sóc.

Ý nghĩa phong thủy và cách chăm sóc trầu bà thanh xuân
Trầu bà thanh xuân thường mọc thành bụi nhỏ, thân thảo mảnh khảnh, phân nhiều nhánh, màu xanh sẫm.

Cây mọc thành bụi, chia nhiều nhánh. Lá cây có bản to, màu xanh thẫm. Bề mặt lá không nguyên vẹn mà có nhiều đường xẻ hơi nhăn nheo, phần cuống lá dài với thành bẹ ôm vào thân cây. Rễ cây rậm rạp khá đẹp mắt nên nhiều người chọn trồng cây thủy sinh để khoe bộ rễ. Hoa trầu bà thanh xuân khá nhỏ, có dạng mo và mọc thành cụm.

Trầu bà thanh xuân có thể sống trên nhiều loại đất, sinh trưởng rất nhanh nếu được cấp đủ nước. Chịu úng, chịu hạn kém, ưa sáng nhưng vẫn có thể chịu bóng 1 phần, không chịu được ánh nắng gay gắt.

Công dụng và ý nghĩa của cây trầu bà thanh xuân

Công dụng

Với lợi thế nhỏ gọn đẹp mắt, lại xanh tốt quanh năm, dáng cây độc đáo, cây trầu bà thanh xuân được nhiều người lựa chọn làm cây cảnh trang trí.Thường cây sẽ được trồng trong chậu, tùy kích thước mà có thể đặt ở bệ cửa sổ, bàn học, bàn làm việc, bàn tiếp khách hoặc đặt ở góc phòng, tiền sảnh, sân vườn, trang trí tiểu cảnh.

Ý nghĩa phong thủy và cách chăm sóc trầu bà thanh xuân-2
Ngắm nhìn chậu cây cảnh xanh mát cũng là một cách để giải tỏa căng thẳng rất tốt.

Không chỉ vậy, trầu bà thanh xuân còn được biết đến là có khả năng loại bỏ bụi bẩn, thanh lọc không khí, giảm thiểu tác hại từ các thiết bị điển tử nên được dân văn phòng khá ưa chuộng.

Ý nghĩa

Trong phong thủy, cây trầu bà thanh xuân đại diện cho những người có chí tiến thủ, sẵn sàng đương đầu vượt qua khó khăn, hướng tới thành công. Trồng cây trong nhà có thể mang đến nhiều tài lộc, may mắn cho gia chủ, giúp cuộc sống, công việc thuận lợi hơn. Trầu bà thanh xuân lại không kén tuổi, nên ai cũng có thể trồng được, đặc biệt người thuộc mệnh Mộc, mệnh Thủy khi trồng cây sẽ phát huy tối đa vượng khí.

Ý nghĩa phong thủy và cách chăm sóc trầu bà thanh xuân-3
Một chậu trầu bà thanh xuân làm quà tặng trong các dịp lễ là lựa chọn không tồi, bạn không nên bỏ qua.

Cách trồng cây trầu bà thanh xuân

Phương pháp nhân giống trầu bà thanh xuân được nhiều ngườ lựa chọn nhất hiện nay là tách bụi, bởi cây con khỏe mạnh và phát triển nhanh, đồng thời giới hạn được kích thước của cây mẹ.

Cụ thể, khi bụi cây mẹ đã lớn, bạn chọn ra một bụi nhỏ có 2-3 nhánh, rễ đã dài từ 3cm trở lên. Sau đó nhẹ nhàng tách bụi cây bao gồm cả rễ sau cho không ảnh hưởng tới cây mẹ. Đổ đất một ít vào chậu cây, đặt cây con vào, giữ cây thẳng đứng rồi lấp đất lại, nén nhẹ sau đó tưới đẫm nước là được.

Ý nghĩa phong thủy và cách chăm sóc trầu bà thanh xuân-4
Để rút ngắn thời gian nhân giống, người ta thường chọn tách bụi khi cây phát triển quá rậm.

Về đất trồng, bạn có thể chọn loại nào cũng được, sau đó trộn thêm ít phân chuồng và xơ dừa, mùn để tăng dinh dưỡng, độ tơi xốp và khả năng thoát nước. Chậu trồng cũng cần có lỗ ở dưới đáy để tránh ngập úng.

Sau khi trồng, bạn nên tưới nước để duy trì độ ẩm cho đất, sau khoảng 1 tháng là cây sẽ bén rễ, sinh chồi và phát triển thành bụi mới.

Chăm sóc cây trầu bà thanh xuân

Là loài cây dễ sống, tốc độ sinh trưởng nhanh, bạn không cần chăm sóc quá nhiều. Chỉ cần đảm bảo được lượng nước và ánh sáng phù hợp.

Ý nghĩa phong thủy và cách chăm sóc trầu bà thanh xuân-5
Cây Trầu Bà Thanh Xuân ưa ánh sáng nhẹ, thích bóng râm.
  • Tưới nước: là cây ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng, bạn nên chú ý lượng nước tưới cho cây. Mỗi tuần nên tưới từ 2 – 3 lần là đủ, mỗi khi tưới cũng chỉ cần làm ẩm đất. Nếu trồng thủy sinh, thay vì tưới nước thì cứ 2 tuần bạn thay nước trong chậu một lần.
  • Ánh sáng: yếu tố này cũng rất quan trọng, cây không chịu được ánh nắng gắt trực tiếp từ mặt trời nhưng vẫn cần ánh sáng để phát triển và có màu đẹp mắt. Do đó bạn nên đặt cây ở những nơi có ánh sáng gián tiếp, dịu nhẹ. Nếu trồng ngoài trời thì nên có dàn che đầy đủ.
  • Dinh dưỡng: một tháng sau khi trồng, bạn bón cho cây một ít phân hữu cơ pha loãng để kích thích cây ra rễ., tiếp đó cứ khoảng 3 – 4 tháng thì bón một đợt NPK. Cứ khoảng 1.5 – 2 năm thì thay đất trong chậu một lần để làm mới moi trường sống.
  • Phòng trừ sâu bệnh: thường xuyên quan sát, cắt tỉa để tạo dáng đẹp cho bụi cây. Nếu phát hiện lá hư thối cần cắt bỏ ngay. Cây ít khi bị sâu bệnh, nhưng thi thoảng cũng bị sâu ăn lá hay rệp sáp, lúc đó bạn chỉ cần mua thuốc đặc trị về phun là được.