Vợ chồng tôi bắt đầu làm vườn từ năm 2011. Khi đó, ông xã tận dụng khoảng sân thượng nhỏ để gieo trồng cải mầm, rau thơm, cải ngọt, dưa leo, khổ qua... với ý định tạo không gian xanh. Do chăm sóc tốt, cây trồng trĩu quả nên chúng tôi quyết định phát triển thêm nhiều loại rau sạch khác. 10 năm chăm sóc vườn cây trên sân thượng, tôi rút ra nhiều kinh nghiệm cho bản thân mình.
Lê Thị Ngọc Trân (quận Phú Nhuận, TP.HCM)
10 năm kinh nghiệm và chăm sóc vườn cây trên sân thượng
Diện tích vườn 30m2
Trộn đất, bón phân
Tôi sử dụng bao đất sạch Tribat nặng 30 kg trộn đều với xơ dừa, phân bò, phân trùn quế, theo tỷ lệ 2:1:1:0,5 rồi trồng cây. Với cây ngắn vụ như cải, xà lách, các loại dây leo, mỗi khi thu hoạch xong, tôi sẽ trải mỏng đất phơi nắng khoảng 2-3 ngày cho chết sâu bệnh. Sau đó, tôi mua thêm đất, xơ dừa, phân bò, trùn quế trộn vào và trồng tiếp.
Cách chăm sóc một số loại cây trồng
Bạn cần chú ý, mỗi cây có một cách chăm sóc riêng, tưới tiêu lượng nước phù hợp để xanh tốt và phát triển. Làm vườn trên sân thượng, tôi hay tỉa nhánh, ngọn để giữ cho thân thấp vừa, phát tán cây theo hình nấm và đặt ở nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào.
Chỉ bón phân và tưới nhiều nước vào thời điểm trước khi cây ra bông và đã đậu quả. Khi cây đang ra hoa tuyệt đối không bón phân. Tưới nước vừa đủ, 1 lần/ngày, trường hợp nắng gắt quá thì bạn có thể tưới thêm lần nữa. Thời gian tưới cây vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Ổi
Khi thấy ổi bắt đầu ra trái nhỏ thành từng cặp, bạn nên tỉa bỏ bớt để dưỡng cho trái ổi còn lại mau lớn. Mỗi cành chỉ để lại 1-2 trái phía trong gần thân chính, ngắt bỏ trái phía ngoài ngọn. Cây ổi hầu như không kén đất, tuy nhiên do trồng trong chậu nên cần lưu ý chọn loại đất tơi xốp, thoát nước tốt và bổ sung thêm phân hữu cơ như trùn quế để rễ không bị nấm bệnh.
Táo
Thời vụ trồng tốt là cuối mùa mưa, khoảng tháng 11-12 vì thời tiết ấm dần, cây рhát triển nhanh. Τrồng theo hàng hoặc thеo ô vuông, khoảng cáсh cây 4-5 m. Để tiết kiệm đất, bạn có thể trồng dày hơn, khi сây táo lớn thì đốn bỏ bớt.
Cóc, lựu
Thường xuyên phát tán lá, tỉa bớt và lưu ý tưới nhiều nhưng phải thoát nước tốt nếu không muốn bị vàng lá hoặc cây chết. Riêng với cóc Thái, bạn nên chọn chậu có kích thước miệng 35 - 40cm, cao khoảng 30 - 50cm để cây có thể sinh trưởng lâu dài cho nhiều cành, nhánh và quả.
Dưa leo, bầu, bí, mướp, khổ qua
Bắt buộc thụ phấn cho bông cái bằng cách bẻ hết cánh hoa đực, chừa nhụy, úp vào hoa cái vào sáng sớm.
Thuốc trừ sâu tự chế
Thông thường, những loại rau, củ, quả chứa hàm lượng tinh dầu mạnh như ớt, tỏi, hành, gừng, chanh... có tác động đến bọ, côn trùng gây hại cho cây cối. Do vậy, chúng thường hay được sử dụng để làm thuốc trừ sâu tại nhà.
Tỏi
Tỏi là loại thuốc trừ sâu vừa hiệu quả vừa kinh tế cho khu vườn nhà. Nó có tính diệt nấm, côn trùng hiệu quả để kiểm soát sâu bệnh. Rệp, kiến, mối, ruồi trắng, bọ cánh cứng, sâu đục thân, sâu bướm, ốc sên... là một số các loại sâu bệnh có thể diệt được nhờ tỏi.
Đầu tiên, bạn cần bóc vỏ, giã nát khoảng 2-3 củ tỏi rồi pha vào 2 bát nước vừa. Sau khi để ở nơi râm mát 1 ngày thì chắt lấy nước cốt. Khi cần tưới rau, pha loãng nước cốt với 4 lít nước, dùng thay thế cho các loại thuốc trừ sâu thông thường, phun lên bề mặt lá.
Vỏ trứng
Vỏ trứng có thể làm phân bón và thuốc trừ sâu. Bạn chỉ cần nghiền nát vỏ trứng thành từng miếng nhỏ và rắc vào hố trước khi trồng cây. Sau đó, cách 2 tuần, bạn lại rắc thêm một ít vỏ trứng vụn xung quanh gốc cây.
Ớt, tỏi, gừng và rượu
Chọn mua 1 kg ớt tươi, 1 kg tỏi, 1 kg gừng loại cay rồi giã hoặc xay nhuyễn hỗn hợp. Ngâm 3 kg nguyên liệu với 3 lít rượu trong thùng kín, đặt ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Thời gian ngâm khoảng 15-20 ngày. Ngay khi thấy có sâu bệnh, bạn lấy khoảng 200-300 ml hỗn hợp hòa vào 5 lít nước rồi phun đều lên bề mặt lá.
Lưu ý, khi phun, người trồng cây cần đứng theo chiều gió để tránh thuốc bay ngược vào mắt gây đau rát.
Theo Zing